Hoa ban hay hoa móng bò sọc – hoa của núi rừng Tây Bắc, có màu trắng, tím và hồng, nở rộ vào đầu tháng 3. Đây là loài hoa biểu tượng cho sự chung thủy, sắc son. Để hiểu rõ hơn về loài hoa này, cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Đặc điểm của hoa ban
Hoa ban còn được gọi là hoa móng bò sọc có danh pháp hai phần Bauhinia variegata. Nó là loại thực vật trong họ Đậu, có nguồn gốc ở miền Đông nam châu Á. Hoa có màu trắng, tím và hồng.
- Cây hoa ban thân gỗ, kích thước nhỏ đến trung bình, cao 10 – 12m, thường rụng lá vào mùa khô.
- Lá dài khoảng 10 – 20cm, rộng bản, tròn, lưỡng thùy ở đỉnh phiến lá và gốc. Có ít lông ở mặt dưới, mặt trên không có lông.
- Hoa có 5 cánh màu từ tím, hồng nhạt rồi đến trắng. Đường kính 8 – 12 cm. Nhị hoa có vị ngọt, quyến rũ nhiều loại côn trùng. Hoa nở rộ và đẹp nhất vào đầu tháng 3, đầu tháng 4 hoa bắt đầu tàn. Lúc hoa nở rộ, cây ban dường như chỉ có hoa mà không có lá.
- Quả ban là loại quả đậu dài 15 – 30cm, trong có chứa một vài hạt.
Cây hoa ban phân bố ở khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở nước ta, nó phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Bắc.
Các loài hoa ban
Hoa ban có hai loài, hoa đỏ và hoa trắng, nhưng loài hoa ban trắng chiếm phần lớn. Hoa ban cùng họ với hoa bướm, không có hương nhưng có vị, mỗi hoa gồm từ 4-5 cánh, nhị màu hồng, gân màu tím; nhị hoa có vị ngọt.
Tác dụng của hoa ban
- Hoa ban có thể ăn được. Dùng để nấu canh, làm nộm hoặc đồ lên rồi chấm với dấm ớt mang chua.
- Mang đến vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc và là nơi hẹn hò của đôi lứa.
- Đặc biệt, hiện nay vào mùa hoa nở, người dân Tây Bắc lại chào đón những đoàn du khách tham quan vẻ đẹp của hoa, mang lại lợi ích kinh tế.
- Là vị thuốc có tác dụng trị ho khan, viêm họng rất tốt.
- Búp và lá non còn chữa kiết lỵ khá hiệu quả.
- Ở Ấn Độ, vỏ được dùng làm thuốc chữa vết thương, bệnh ngoài da, lở loét. Chồi khô dùng để trị ỉa chảy, kiết lỵ, giun. Rễ dùng sắc nước chữa chướng bụng, đầy hơi và rắn cắn. Gỗ cây được dùng đóng các đồ đạc thông thường.
Ý nghĩa của hoa ban
Hoa ban thể hiện sự thanh cao, chân thành và một tình yêu trong trắng, thủy chung, sắc son, gắn bó keo sơn. Ngoài ra, nó còn là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ.
Sự tích hoa ban
Trong kho tàng vǎn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc, hoa ban xuất hiện trong các trường ca, các truyền thuyết và các câu chuyện kể bên bếp lửa hằng đêm.
Hiện nay, trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc có nhiều sự tích về hoa ban, nhưng đều giống nhau ở chỗ dùng hoa ban làm biểu tượng cho tấm lòng thủy chung trong tình yêu đôi lứa, biểu tượng cho cuộc sống hạnh phúc, no ấm.
Trong đó có sự tích về người con gái tên Ban xinh đẹp nết na với giọng hát làm mê đắm lòng người. Trái tim nàng sớm đã dành trọn cho chàng Khum dù rằng có rất nhiều trai làng theo đuổi. Vì chê Khum nghèo, cha Ban đã ép gả cô cho con trai của một trọc phú quanh vùng, vừa gù vừa lười biếng và xấu tính. Nàng trốn chạy khỏi nhà, tìm đến với người yêu để kêu cứu nhưng lúc này Khum lại đi xa. Không quản xa xôi cách trở, Ban buộc chiếc khăn Piêu của mình vào chân cầu thang để làm dấu rồi vượt đèo vượt suối đi tìm Khum. Nàng đi mãi đi mãi cho đến khi kiệt sức và gục chết tại một con suối.
Cứ mỗi độ xuân sang, nơi này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt. Dân mường liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho hoa tình yêu chung thuỷ. Về phần chàng Khum, về đến nhà, nhìn thấy chiếc khăn Piêu, hiểu ra sự tình chàng vội vã đi tìm Ban để rồi cũng chết vì kiệt sức. Khum hóa thành con chim, sống cuộc đời lẻ loi, bay khắp núi rừng với hy vọng tìm ra người yêu. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết.
Lưu ý khi trồng và chăm sóc cây hoa ban
Khi cây còn nhỏ, ta cần chăm sóc và bảo vệ cẩn thận:
- Dùng cọc chống cây hoặc làm hàng rào xing quanh tránh cây đổ gãy do tác động bên ngoài.
- Làm đất tơi xốp, đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo thoát nước tốt để cây không bị ngập úng vào mùa mưa.
- Cần trồng cây ở nơi thông thoáng, nhiều gió để cây khỏe mạnh, ít sâu bệnh, cho nhiều hoa.
- Không cần tưới nước quá nhiều bởi cây sẽ dễ ngập úng và chết.
>> Tìm hiểu: Cây xấu hổ (trinh nữ, mắc cỡ) hình ảnh, công dụng và ý nghĩa